KHỞI NGHIỆP VỚI NGHỀ MAY GIA CÔNG THU NHẬP HƠN 30 TRIỆU ĐỒNG/ THÁNG
Với khát vọng vươn lên làm giàu cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Đào Thị Kim Thuý cư ngụ tại Thôn Phú Sung, xã Hàm Cường huyện Hàm Thuận Nam đã vươn lên là một trong những tấm gương phụ nữ phát triển kinh tế địa phương.
Sinh ra và lớn lên trên ngay chính quê hương Bình Thuận, trong gia đình nghèo khó, từ nhỏ chị đã nghỉ học sớm để phụ giúp ba mẹ phát triển kinh tế. Năm chị 13 tuổi chị đã một mình vào Thành phố Hồ Chí Minh học nghề may và làm thuê cho các xưởng may gia công tại quận Bình Tân. Chị vừa làm, vừa học nghề, trải qua 20 năm làm thuê cho xưởng, chị đã mạnh dạn đứng ra thuê mặt bằng và mở 1 cơ sở may gia công tại Thành phố Hồ Chí Minh, được hơn 1 năm thì chị thấy Thành phố Hồ Chí Minh không phải là nơi chị dừng chân, và chị quyết định về quê hương lập nghiệp. Khi đó chị 35 tuổi.
Năm 2014 chị về quê, chị quyết định nhận đồ may về nhà một mình chị ráp đồ, thu nhập cũng đủ cho bản thân và lo cho gia đình ổn định. Với hơn 20 năm chị ở Sài Gòn và có mối quan hệ với nhiều người trong ngành may nên chị đã được họ giúp sức, nhưng chị vẫn không dám mở cơ sở may mà vẫn duy trì điểm may nhỏ lẻ. Năm 2020, Hội LHPN xã Hàm Cường triển khai Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chị đã mạnh dạn đăng ký ý tưởng Khởi nghiệp May gia công và được Hội LHPN xã hướng dẫn tận tình, chị quyết tâm nhận thêm hàng và tuyển thêm thợ về để cùng nhau làm.
Từ những ngày đầu mở cơ sở may chị gặp muôn vàn khó khăn, từ thiếu vốn, kỹ năng quản lý, nhân công chưa dày dặn kinh nghiệm trong việc sử dụng máy may... Nhưng với niềm đam mê và không ngại khổ, chị đã tập trung dành thời gian để trau dồi kiến thức, học hỏi nhiều nơi, tự mình gỡ bỏ dần những khó khăn. Cùng với sự giúp sức của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với nguồn vốn vay ưu đãi cho phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương 50 triệu đồng, chị đã mua thêm máy may trang bị thêm các thiết bị cần thiết cho hoạt động của cơ sở.
Với nỗ lực của mình đơn hàng chị nhận ngày một nhiều lên, thợ tìm đến chị học nghề và làm nghề may cũng đông hơn. Trung bình mỗi đơn hàng trị giá từ 100-200 triệu đồng, thời gian hoàn thành từ 1-2 tháng. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của chị cũng có doanh thu từ 500-100 triệu đồng. Tạo việc làm cho 9 lao động mỗi tháng hơn 6,5 triệu đồng/ người.
Nói về hiệu quả của cơ sở may gia công của chị Kim Thúy, lãnh đạo địa phương đánh giá cao giá trị kinh tế mà cơ sở chị đã mang lại, tuy nhỏ bé, nhưng bước đầu đã tạo được việc làm cho 9 lao động may, ổn định cuộc sống gia đình, cùng với địa phương phát triển kinh tế, xã hội.
Chị chia sẻ thêm trong thời gian đến chị sẽ mở rộng cơ sở may, nhận thêm nhiều hàng và tuyển thêm thợ may, đào tạo nghề may cho chị em phụ nữ chưa biết nghề để cùng chị vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.
Thanh Thảo – Hội LHPN Hàm Thuận Nam