Nhiều lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số được triển khai thực hiện đạt kết quả
Thời gian qua, huyện Hàm Thuận Nam đã triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó một số lĩnh vực được huyện ưu tiên chuyển đổi số đã từng bước mang lại kết quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong kế hoạch triển khai Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện HTN đã đề ra 9 lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Trong từng lĩnh vực, huyện đã có những giải pháp chỉ đạo cụ thể, hướng dẫn trong tâm để từng lĩnh vực, đơn vị triển khai thực hiện và bước đầu đạt kết quả.
Cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, UBND huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 2222 ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, huyện đã Ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, qua đó đã chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể các ngành và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện để triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời triển khai, khởi tạo dữ liệu Quốc gia về cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo, Hệ thống thông tin Phổ cập giáo dục – Xóa mù chữ; chương trình Quản lý nhà trường Vnedu (trang Web: Vnedu.vn).
Trong lĩnh vực y tế, huyện đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện các giải pháp bảo đảm 100% các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện (có phần mềm kết nối, máy đọc Qr code) thực hiện hoạt động khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Qua đó, đã có 14/14 cơ sở khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế trên địa bàn đều thực hiện KCB BHYT bằng CCCD, đạt 100%. Đã cấp 117.221 hộ chiếu vắc xin cho công dân. Làm sạch dữ liệu tiêm chủng 6.665 trường hợp. Việc thanh toán các chi phí dịch vụ khám chữa bệnh bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh thực hiện .
Trong Lĩnh vực Nông nghiệp, huyện đã ban hành kế hoạch về Triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam giai đoạn 2021-2025. Đồng thời chỉ đạo căng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; đẩy mạnh quá trình số hóa về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn; đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm Ocop lên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Đối với lĩnh vực hành chính công, Huyện đã quan tâm trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận & Trả kết quả huyện, xã. Thực hiện đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, in biên lại trên hệ thống và thanh toán trực tuyến, phí lệ phí các thủ tục hành chính. Công khai niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính. Đặc biệt đã thực hiện niêm yết danh sách Mã QR – các thủ tục hành chính và đánh giá sự hài lòng của người dân khi tham gia thực hiện các thủ tục hành chính.
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, huyện đã ban hành kế hoạch về Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số trên địa bàn. Đồng thời triển khai thực hiện các ứng dụng phần mềm tài chính như: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), Quản lý và khai thác báo cáo ngân sách, dịch vụ công kho bạc…Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực.
Trong mục tiêu chung về thực hiện chuyển đổi số, huyện Hàm Thuận Nam xác định: Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện cao hơn.
Vì vậy việc xác định các lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số của huyện vừa phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, vừa phát huy tiềm năng, lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đây còn là nền tảng để huyện HTN thực hiện đạt kết quả theo mục tiêu mà huyện đã đề ra.
Ngọc Phu