Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến góp phần thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận

(stttt.binhthuan.gov.vn) Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để tăng cường cung cấp và thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), thanh toán trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh đạt chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)             

Theo đó, kết quả đến nay tỉnh đã đầu tư và triển khai sử dụng cho 17/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (trừ Thanh Tra tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh), 10/10 đơn vị cấp huyện và 124/124 đơn vị cấp xã với tổng số 650 DVCTT/1875 tổng số TTHC tỉnh, đạt 34 % (trong đó 316 DVCTT toàn trình và 334 DVCTT một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ); hoàn thành kết nối, tích hợp, liên thông và chia sẽ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh với: Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo Đề án 06, hệ thống thu thập đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến Quốc gia, dịch vụ thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin của Bộ Tư Pháp, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Hệ thống thông tin Zalo…nhằm khai thác sử dụng dữ liệu dân cư, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC của tỉnh với các hệ thống của bộ, ngành, Trung ương, công bố, công khai kết quả giải quyết TTHC; áp dụng linh hoạt dịch vụ hành chính công trực tuyến kết hợp với trả kết quả qua hệ thống bưu chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; việc tuyên truyền về DVCTT đã được các cấp, các ngành quan tâm, áp dụng nhiều biện pháp, hình thức phổ biến như: thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, Báo Bình Thuận, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai sử dụng DVCTT của tỉnh còn một số hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng của tỉnh. Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chưa cao (Trong năm 2022: có 325/650 DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến, đạt 50%; toàn tỉnh tiếp nhận 59.967 hồ sơ trực tuyến/266.344 hồ sơ, đạt 22,51%. Quý I/2023: có 212/650 DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến, đạt 32,3%; toàn tỉnh tiếp nhận 23.881 hồ sơ trực tuyến/74.256 hồ sơ, đạt 32,16%;), người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều việc nộp hồ sơ giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến; nhiều DVCTT cả năm không phát sinh hồ sơ do người dân, doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng. Nguyên nhân chủ yếu là do một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện DVCTT; một bộ phận cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của DVCTT; quy định pháp lý về văn bản điện tử trong giải quyết TTHC chưa đồng bộ (như bản sao, công chứng….); trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của người dân đặc biệt là khu vực nông thôn còn rất nhiều hạn chế và thiếu.

(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Để nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT, đảm bảo chỉ tiêu tối thiểu 80% TTHC cấp tỉnh, huyện, xã đủ điều kiện cung cấp DVCTT một phần, toàn trình; tối thiểu 35% hồ sơ TTHC được tiếp nhận, xử lý trực tuyến trong năm 2023 theo yêu cầu, quy định của UBND tỉnh và Chính phủ. Các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành và địa phương quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp, khai thác, sử dụng DVCTT, thanh toán trực tuyến của tỉnh đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

2. Về tuyên truyền:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về lợi tích khi tham gia thực hiện nộp hồ sơ xử lý thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, thanh toán trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.binhthuan.gov.vn.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân và trọng tâm là hướng dẫn, hỗ trợ người dân khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công của tỉnh.

3. Về hạ tầng, thiết bị: khẩn trương triển khai đầu tư hiệu quả hệ thống thiết bị (máy tính để bàn, máy scan, máy in…) theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định 445/QĐ-UBND ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh; trang bị máy tính để bàn có kết nối Internet và hệ thống Wifi miễn phí tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã để cán bộ bộ phận một cửa hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến hoặc phục vụ nhu cầu nộp hồ sơ trực tuyến của người dân, doanh nghiệp.

4. Về cơ chế chính sách:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, các văn bản, các quy định nhằm đảm bảo tính pháp lý của các DVCTT; thực hiện các biện pháp tăng cường sự bảo đảm về an toàn và bí mật thông tin của các cá nhân khi sử dụng DVCTT. Đồng thời, các sở, ngành địa phương cần gii pháp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến như: ban hành quy định khuyến khích, chính sách giảm phí, lệ phí; rút ngn quy trình, thời gian xử lý; rà soát, chuẩn hóa quy trình danh mục DVCTT có yêu cầu bãi bỏ nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; ban hành danh mục DVCTT thực hiện thí điểm bắt buộc các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống cơ quan nhà nước phải nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến một phần hoặc toàn trình (không tiếp nhận hồ sơ bằng hình thức trực tiếp)…

- Giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến và cam kết chỉ đạo, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tuyên truyền, vận động người thân, công dân tại nơi làm việc và cư trú sử dụng dịch vụ công trực tuyến thay thế cho hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả hơn.

5. Về ứng dụng: Rà soát, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đảm bảo nghiên cứu triển khai Trợ lý ảo hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thiện kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06, Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia,… để giảm giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

6. Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp cũng như đội ngũ cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC các cấp. Tập huấn việc sử dụng phần mềm DVCTT của tỉnh, tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ; đảm bảo cho đội ngũ công chức, viên chức này có trình độ, năng lực, kiến thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

7. Về kiểm tra, giám sát: Tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; giám sát chất lượng, thời gian giải quyết các hồ sơ đăng ký qua mạng trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; lấy kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến làm một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng hàng năm tại cơ quan, đơn vị.

8. Các sở, ban, ngành, địa phương duy trì thường xuyên theo dõi, cập nhật dữ liệu, khai thác sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin, nhất là đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; tập trung đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu theo nguyên tắc lựa chọn lĩnh vực trọng tâm, tần suất khai thác sử dụng nhiều, bảo đảm tính an toàn, liên thông, kết nối và chia sẽ dữ liệu dùng chung; mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và công dân khai thác sử dụng theo quy định.

9. Nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc: hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, Internet cho người dân; hỗ trợ máy tính; điểm truy cập Internet công cộng; Hệ thống mạng Wi-Fi miễn phí tại các khu vực đông dân cư đế người dân tiếp cận dịch vụ. Hợp tác với các doanh nghiệp như Bưu điện, ngân hàng để hỗ trợ triển khai DVC trực tuyến như chuyển trả kết quả qua Bưu điện, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến,…

10. Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để duy trì, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, công tác đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu cũng như công tác chuyển đổi số của tỉnh nói chung./.


 

Hằng – P.BCVT&CNTT
Tin khác
1 2 3 4 5  ...